TỔNG QUAN QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA DỪA SÁP TRÊN VƯỜN TRỒNG THỰC TẾ

 

Sau khi xuất vườn, trồng trên đất thực tế thời gian trưởng thành của Dừa sáp sẽ dao động từ 1-3 năm, đến năm thứ 3 dừa sẽ có sẽ có lưỡi mèo, từ lưỡi mèo đến khi trái có thể cho sáp và thu hoạch là khoảng trên dưới 10 tháng. Khoảng thời gian này hoàn toàn trùng khớp với thời gian sinh trưởng của một giống dừa bình thường, theo đó:

Đối với rễ:

Dừa Sáp có rễ bất định sinh ra liên tục ở phần đáy gốc thân, không có rễ cọc. Lúc mới mọc có màu trắng sau chuyển sang màu đỏ nâu. Rễ không có rễ lông hút mà chỉ có những rễ nhỏ là rễ dinh dưỡng. Những rễ này hình thành trên rễ chính và có hoạt động như rễ hô hấp, giúp cho cây trao đổi khí. Trong điều kiện ngập nước liên tục sẽ ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của bộ rễ, làm cho cây dừa giảm sức tăng trưởng do cây dừa là cây chịu nước nhưng không chịu ngập. Rễ già sẽ chết và rễ mới phát triển liên tục. Tuần đầu tiên sau khi nảy mầm, cây dừa con sẽ mọc ra một rễ cấp 1 có chiều dài trung bình 5cm, mười ngày sau sẽ mọc ra rễ thứ hai, sau sáu tuần sẽ có trung bình 3 rễ cấp 1, với chiều dài rễ dài nhất khoảng 20cm.

Đối với thân:

Thân dừa Sáp mọc thẳng, không phân nhánh, chiều cao trung bình từ 15-20m. Trong giai đoạn đầu sau khi trồng, thân dừa ngắn, phát triển chậm, cho đến khi chiều ngang phát triển đầy đủ thì thân mới bắt đầu cao lên. Giai đoạn này kéo dài khoảng 4 năm tùy theo giống. Do đặc điểm này mà thân dừa cao chỉ phát triển mạnh sau 4-5 năm. Do cấu tạo của thân không có tầng sinh mô thứ cấp nên những tổn thương trên thân dừa không thể phục hồi được và đường kính thân cũng không phát triển theo thời gian nên quan sát một đoạn thân ta có thể đánh giá tình hình sinh trưởng của cây trong thời gian đó. Đồng thời thân phát triển từ đỉnh sinh trưởng (củ hủ) nên khi bị đuông tấn công cây sẽ bị chết.

 

 

Đối với lá

Một cây sinh trưởng tốt mỗi năm ra ít nhất 14-16 lá (24-26 ngày/lá). Mùa khô dừa ra lá nhanh hơn so với mùa mưa. Một tàu lá dừa luôn luôn có đời sống 5 năm, từ khi tượng đến khi xuất hiện 2,5 năm và từ khi xuất hiện đến khi khô, rụng là 2,5 năm. Nếu điều kiện tự nhiên bất lợi lá sẽ ra chậm hơn, số lá ít đi chứ không rút ngắn đời sống của lá. Điều kiện dinh dưỡng và nước đầy đủ cây ra nhiều lá sẽ làm cho số lá trên tán cây nhiều hơn (35-40 tàu). Nếu gặp điều kiện bất lợi thời gian ra lá kéo dài, số lá trên tán cây sẽ ít.

 

Đối với hoa:

Thông thường mỗi nách lá mang một phát hoa, do đó có bao nhiêu lá mới là có khả năng có bấy nhiêu phát hoa được sinh ra. Tuy nhiên, giai đoạn 15-16 tháng trước khi hoa nở (giai đoạn phân hóa nhánh gié) phát hoa dừa có thể bị thui do cây dừa bị thiếu dinh dưỡng, khô hạn hay ngập úng. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra hiện tượng “mùa treo” ở dừa. Hoa dừa thuộc loại đơn tính, đồng chu. Số lượng hoa cái trung bình biến động từ 20-40 cái trên mỗi phát hoa. Mỗi phát hoa có thể mang trung bình từ 5- 10g phấn hoa. Mỗi hoa đực chứa khoảng 272 triệu hạt phấn có kích thước rất nhỏ. Chỉ khoảng 40% hạt phấn có khả năng thụ phấn trong mỗi phát hoa. Thời gian để hoa cái đầu tiên nở đến hoa cái cuối cùng thụ phấn xong trên cùng phát hoa gọi là pha cái, kéo dài từ 5-7 ngày. Thời gian để hoa đực đầu tiên mở đến hoa đực cuối cùng mở gọi là pha đực, kéo dài khoảng 18-22 ngày. Trên giống dừa Sáp, pha đực thường xuất hiện trước rồi mới đến pha cái nên có sự lệch pha và sự thụ phấn chéo là phổ biến. Hoa dừa được thụ phấn chủ yếu nhờ gió và côn trùng, trong đó ong mật có vai trò quan trọng nhất. Việc nuôi ong trong vườn dừa làm tăng năng suất dừa đáng kể. Hiện tượng rụng trái non thường xuất hiện ở giai đoạn ba tuần sau khi đậu trái và có thể kéo dài đến tháng thứ sáu.

Đối với trái:

Trái dừa thuộc loại quả hạch, nhân cứng. Trái gồm có ba phần là ngoại quả bì (phần vỏ bên ngoài được phủ cutin), trung quả bì (xơ dừa) và nội quả bì bao gồm gáo, nước và cơm dừa. Vỏ dừa dày từ 1- 5 cm tùy theo giống, phần cuống có thể dày đến 10 cm. Vỏ dừa bao gồm 30% là xơ dừa và 70% là bụi xơ dừa. Bụi xơ dừa có đặc tính hút và giữ ẩm cao từ – 8 – 400-600% so với thể tích của chính nó. Gáo dừa có hình dạng rất khác biệt tùy theo giống, độ dày của gáo từ 3-6 mm. Bốn tháng tuổi sau khi thụ phấn, gáo dừa bắt đầu hình thành và chuyển sang màu nâu và cứng hơn khi trái được 8 tháng tuổi. Nước dừa xuất hiện từ tháng thứ ba sau khi thụ phấn và đạt được thể tích lớn nhất ở tám tháng tuổi. Cơm dừa bắt đầu hình thành 5 tháng sau khi thụ phấn, Ở những trái có sáp thì có lớp cơm màu trắng rất dày (có khi choán hết cả phần ruột) giống như sáp đèn cầy, chính giữa là chất lỏng sệt như nước cơm chắt. Không như cơm dừa bình thường, nếu còn non thì mềm và ngọt, nếu già thì cứng cạy. Cơm dừa sáp mềm và dẻo như bột quánh lại, béo và có mùi thơm đặc trưng.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *